Phát triển ngân hàng mở tại Việt Nam: Nhìn từ kinh nghiệm quốc tế

Ngân hàng mở là xu hướng tất yếu của hoạt động kinh doanh ngân hàng hiện đại. Trên thế giới, nhiều quốc gia đã có chiến lược và chính sách cụ thể để xây dựng hệ thống khung pháp lý cho lĩnh vực này.

Xu hướng tất yếu

Ngân hàng mở (Open Banking) được xem là một mô hình mới giúp các ngân hàng tiếp cận đa dạng đối tượng khách hàng với chi phí hợp lý, thông qua các ứng dụng khác của đối tác, rút ngắn quá trình xử lý giao dịch, giảm thiểu các tác vụ thủ công, xây dựng các giải pháp kinh doanh tối ưu và cung cấp các dịch vụ toàn diện, tiện ích cho khách hàng.

Dự báo trong giai đoạn 2021 – 2025, lĩnh vực ngân hàng tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng sản phẩm dịch vụ (ảnh: Quốc Tuấn)

Nhóm chuyên gia tại ĐH Thương mại đánh giá, ngân hàng mở mang đến cơ hội giúp người dùng có quyền kiểm soát và sở hữu nhiều hơn đối với dữ liệu tài chính của mình. Điều này đặc biệt có liên quan khi nói đến việc tùy biến và cá nhân hóa sản phẩm hoặc dịch vụ. Trong đó, ngân hàng mở nhằm mục đích cho phép cá nhân quản lý tiền và thông tin an toàn hơn. Với việc sử dụng API, người tiêu dùng được hưởng lợi từ việc tăng cường bảo mật vì có thể đặt giới hạn về thời gian truy cập, độ dài và phạm vi.

Đối với các bên thứ ba, ngân hàng mở cho phép các nhà cung cấp dịch vụ bên thứ ba truy cập vào dữ liệu tài chính của người dùng. Bên thứ ba, thường là các startups công nghệ với hệ dịch vụ mới mẻ và đột phá, nay có thể truy cập một cách an toàn vào dữ liệu tài chính của người dùng. Theo đó, bên thứ 3 có thể sử dụng dữ liệu về giao dịch tài chính để tối ưu hóa dịch vụ và thông điệp truyền thông phù hợp với từng khách hàng.

Dự báo trong giai đoạn 2021 – 2025, lĩnh vực ngân hàng tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng sản phẩm dịch vụ. Tuy nhiên, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho rằng, các ngân hàng thương mại đang vướng mắc trong việc cung cấp đa dạng các loại hình sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số, dịch vụ thanh toán số và trải nghiệm khách hàng do hành lang pháp lý cho việc ứng dụng các nền tảng công nghệ mới như eKYC, ngân hàng đại lý (Agent Banking), cho vay online còn chưa ổn định.

Do đó, VNBA kiến nghị các cơ quan quản lý cần hoàn thiện cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia thống nhất, cho phép ngân hàng thương mại được khai thác, phục vụ quá trình cung cấp sản phẩm dịch vụ cho khách hàng. Đồng thời, cần đẩy nhanh việc hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến áp dụng công nghệ số trong hoạt động ngân hàng và ban hành, hướng dẫn triển khai cơ chế thí điểm đối với sản phẩm tài chính mới.

“Thách thức là điều chắc chắn, nhưng đây là xu hướng tất yếu của hoạt động kinh doanh ngân hàng trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0. Vì vậy, các ngân hàng thương mại Việt Nam cần chủ động, tích cực trong quá trình chuyển đổi để bảo đảm lợi thế cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu của lộ trình xây dựng hệ thống ngân hàng số quốc gia. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cũng cần đẩy nhanh việc hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến áp dụng công nghệ số trong hoạt động ngân hàng”, TS. Nguyễn Quốc Hùng lưu ý.

Kinh nghiệm thế giới

Trên thế giới, nhiều quốc gia hiện đã có chiến lược và chính sách cụ thể để xây dựng hệ thống khung pháp lý làm cơ sở cho việc ứng dụng ngân hàng mở nhằm khai thác tiềm năng, bởi đây là xu hướng tất yếu của hoạt động kinh doanh ngân hàng hiện đại. Đồng thời, có nhiều doanh nghiệp trên phạm vi toàn cầu đã vận dụng ngân hàng mở nhằm mang lại trải nghiệm tối ưu hơn cho khách hàng.

Nhiều quốc gia hiện đã có chiến lược và chính sách cụ thể để xây dựng hệ thống khung pháp lý làm cơ sở cho việc ứng dụng ngân hàng mở (ảnh minh hoạ)

Tại Trung Quốc, một ví dụ cho việc ngân hàng mở được thúc đẩy là sự tích hợp giữa ngân hàng số WeBank và Wechat – một ứng dụng nhắn tin, truyền thông xã hội và thanh toán di động đa năng nổi tiếng của Trung Quốc. Nhờ sự tích hợp này, khách hàng có thể sắp xếp cuộc hẹn, chuyển tiền và gọi taxi với Wechat thay vì sử dụng nhiều ứng dụng khác nhau.

Quy trình Ngân hàng mở của Trung Quốc đang trải qua một quá trình chuyển đổi quan trọng. Các đối tác chuyên nghiệp cũng như cơ chế tiên tiến và trưởng thành có thể giúp hình thành một sự chuyển đổi ổn định. Do đó, Công ty Experian với cam kết lâu dài trong việc cung cấp các hệ thống ra quyết định và dịch vụ phân tích tinh vi cho các tổ chức tài chính có một kinh nghiệm đúng đắn và hiệu quả. Khi khái niệm về ngân hàng mở bắt đầu thu hút sự chú ý vào năm ngoái, các ngân hàng truyền thống cạnh tranh lớn ở Trung Quốc cũng bước vào giai đoạn “nóng”.

Có thể thấy, sự đổi mới tài chính của ngân hàng mở tại Trung Quốc rất đáng chú ý và thành công, ngay cả khi được xem trên phạm vi toàn cầu. Nhưng mặt trái là, cơ hội càng lớn, thì rủi ro càng cao. Rủi ro chủ yếu tập trung vào sự cởi mở của chính ngân hàng mở. Các đối tác cung cấp các kịch bản để hợp tác, nhưng có rất ít đầu ra về khả năng cốt lõi để kiểm soát rủi ro. Do đó, các ngân hàng phải xem xét và chuẩn bị tốt về việc họ có thể ứng phó với các rủi ro về đầu vào, hiệu ứng cộng hưởng và các vấn đề không thể đoán trước, cũng như xây dựng cơ chế phát triển bền vững.

Ngoài ra, do ngân hàng mở tại Trung Quốc vẫn còn ở giai đoạn sơ khai, nên có nhiều rủi ro và nguy hiểm. Chẳng hạn như các tiêu chuẩn và quy tắc khác nhau, thiếu cơ chế truy cập, công tác bảo vệ bảo mật dữ liệu yếu và các cuộc gọi độc hại trong giao diện. Trong tương lai, để giải quyết các vấn đề trên, việc kêu gọi sự hợp tác quốc tế về mặt giám sát theo quy định để thiết lập các công nghệ thống nhất, các tiêu chuẩn và chuẩn mực dữ liệu, cũng như cơ chế bảo vệ an ninh dữ liệu và kiểm soát nội bộ là rất cần thiết và đặc biệt quan trọng.

Tại Đức, năm 2010, Dự án ngân hàng mở (Open Bank Project) được phát triển bởi sự hợp tác của các ngân hàng lớn nhất thuộc sở hữu nhà nước. Nhiệm vụ chính của các dự án là thiết lập các Open API cho các ngân hàng, giúp cho các nhà phát triển và các công ty Fintech có thể sử dụng để tạo các ứng dụng tiện ích hơn cho khách hàng từ dữ liệu các ngân hàng chia sẻ với sự chấp nhận của khách hàng.

Còn ở Singapore, tháng 11/2016, Hiệp hội Ngân hàng và Ngân hàng Trung ương đã phát hành ấn phẩm “Finance-as-a-Service: API Playbook” như một hướng dẫn toàn diện cho các định chế tài chính, các công ty Fintech và các tổ chức quan tâm khác trong việc phát triển và áp dụng kiến trúc hệ thống dựa trên nền tảng là các Open API, mở đầu cho hệ sinh thái ngân hàng mở tại nước này.

Với Nhật Bản, tháng 5/2017, Luật Ngân hàng sửa đổi đã quy định rõ trách nhiệm của các ngân hàng phải có các chính sách cụ thể để hợp tác với bên thứ ba cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử, công bố các mốc thời gian để phát triển các API làm nền tảng kết nối. Cùng năm này tại Úc, đã xác định chức năng chính của ngân hàng mở là trao quyền cho khách hàng truy cập và kiểm soát tốt hơn dữ liệu ngân hàng của mình. Những lợi ích tiềm năng của hệ thống ngân hàng mở cũng như các chi phí phát sinh để đảm bảo quyền về dữ liệu của khách hàng.

Nguồn:diedandoanhnghiep

Next Post

MỚI NHẤT

XEM NHIỀU

PHỔ BIẾN