Những ngày đầu năm 2022, tại các doanh nghiệp, khu, cụm công nghiệp của tỉnh Phú Thọ không khí sản xuất trở nên khẩn trương, công nhân lao động hối hả cho những lô hàng mới. Nhìn lại năm 2021 là năm đầy thách thức với sản xuất công nghiệp khi phải đối mặt với tác động của dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, với các chính sách điều hành linh hoạt của tỉnh, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả cùng sự sáng tạo và chủ động của doanh nghiệp, khu vực sản xuất công nghiệp vẫn đạt mức tăng trưởng khá.
Đại dịch được ví như thử thách đầy khó khăn buộc các doanh nghiệp phải tìm cách thích nghi, mạnh dạn đổi mới. Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp tự kiểm chứng lại năng lực, đánh giá về thực trạng sản xuất, kinh doanh nhằm tìm ra hướng đi mới hiệu quả, bền vững. Ngay từ đầu năm 2021, nhiều doanh nghiệp đã chủ động chuyển đổi cơ cấu sản phẩm, tranh thủ đà phục hồi của thị trường, thích ứng với tình hình mới để duy trì sản xuất, kinh doanh và việc làm cho người lao động.
Công ty TNHH Phú Đạt Việt Nam, Khu công nghiệp Thụy Vân, TP Việt Trì chuyên sản xuất vải bạt phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu hiện có khoảng 100 công nhân, sản lượng sản xuất đạt khoảng 300 tấn/tháng. Bà Nguyễn Thị Lan Hương – Phó Giám đốc Công ty cho biết: Sản phẩm của Công ty đã được xuất đi các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, EU. Để đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính và khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, Công ty tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời rà soát, đánh giá, cơ cấu lại nguồn nguyên vật liệu, khách hàng, nhanh chóng nắm bắt tín hiệu, nhu cầu mới của thị trường.
Để giúp doanh nghiệp đứng vững trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thời gian qua, tỉnh đã triển khai, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Theo đó, hỗ trợ giải quyết thủ tục thông quan cho doanh nghiệp; gia hạn nợ thuế, miễn, giảm tiền thuế, tiền thuê đất; miễn giảm tiền lãi, cơ cấu lại các khoản nợ vay; giảm tiền điện, nước, viễn thông cho doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp chủ động khắc phục tác động tiêu cực của dịch bệnh với việc áp dụng giờ làm linh hoạt, đáp ứng thời hạn đơn hàng, chủ động cắt giảm chi phí sản xuất… Trong thời điểm dịch bệnh có diễn biến phức tạp, một số đơn vị thực hiện mô hình “ba tại chỗ” và “một cung đường, hai điểm đến”. Nhờ vậy, các doanh nghiệp vẫn duy trì sản xuất, góp phần quan trọng vào việc gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu, tăng hoạt động dịch vụ và nguồn thu cho ngân sách địa phương.
Nhìn chung, sản xuất công nghiệp năm 2021 trên địa bàn tỉnh cơ bản duy trì đà tăng trưởng, quy mô sản xuất được giữ vững, ổn định lực lượng lao động, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 8,6%. Toàn tỉnh có 264 doanh nghiệp đang đầu tư trong các khu, cụm công nghiệp, sử dụng khoảng 67.000 lao động. Các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp nỗ lực ở mức cao nhất để hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh.
Ông Nguyễn Ngọc Hanh- Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Phú Thọ cho biết: Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ nói chung và trong các khu, cụm công nghiệp nói riêng chịu tác động lớn của tình hình dịch bệnh nhưng vẫn nỗ lực vượt khó để duy trì việc làm cho lao động và đóng góp tích cực cho công tác an sinh xã hội, đặc biệt là công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn. Các chỉ số kinh tế chủ yếu của các khu, cụm công nghiệp thuộc Ban Quản lý có mức tăng trưởng ổn định so với năm trước. Với tinh thần đổi mới, sáng tạo, đồng hành cùng doanh nghiệp, thời gian tới, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh, vừa đảm bảo phòng, chống dịch vừa phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.
Dự báo sản xuất công nghiệp năm 2022 vẫn còn khó khăn nhất định do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 tới nền kinh tế có thể còn kéo dài, tuy nhiên cũng có những thuận lợi như điều kiện cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện; lợi thế, tiềm năng vùng Đất Tổ tiếp tục được phát huy, môi trường đầu tư được cải thiện; các cấp, các ngành tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển công nghiệp.
Khắc phục những khó khăn, tận dụng cơ hội, nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị tâm thế bước vào năm mới một cách chủ động, nắm bắt xu hướng thị trường và có sự chuẩn bị tốt về nhân lực, nguyên liệu. Cùng với giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm để giữ vững lượng khách hàng truyền thống, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang tích cực nghiên cứu, mở rộng thị trường mới để tăng doanh thu, tìm kiếm hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Trước thềm năm mới, hy vọng với các giải pháp tháo gỡ khó khăn cùng sự quyết tâm cao của các cấp, ngành, sự năng động nhạy bén của các doanh nghiệp, hoạt động sản xuất công nghiệp sẽ tiếp tục có bước chuyển mạnh mẽ, góp phần hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
PV – Doanhnghiephoinhap.vn