Sáng 26/04 tại TP.HCM CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HOSE: PNJ) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2025.
Năm 2024 lập kỷ lục doanh thu và lợi nhuận
Năm 2024, PNJ ghi nhận doanh thu kỷ lục 37,823 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2,113 tỷ đồng, tăng lần lượt hơn 14% và 7% so với năm trước. Kết quả này chủ yếu đến từ mảng trang sức – lĩnh vực đóng góp hơn 68% tổng doanh thu. Đây cũng là mức doanh thu và lợi nhuận cao nhất trong lịch sử hoạt động của PNJ, đánh dấu năm thứ ba liên tiếp công ty duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận.
Kết quả kinh doanh qua các năm của PNJ
Với việc hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu kinh doanh năm 2024, PNJ chốt tỷ lệ cổ tức tiền mặt là 20% mệnh giá, tương đương tổng giá trị gần 676 tỷ đồng. Trong đó, công ty đã tạm ứng 6% cho cổ đông vào giữa tháng 2/2025; phần còn lại 14% sẽ được chi trả trong thời gian tới.
Giá vàng tăng nhanh làm giảm sức mua trang sức
Chia sẻ tại Đại hội, ông Lê Trí Thông – Tổng Giám đốc PNJ cho biết: “Từ năm 2024 đến nay, giá vàng đã tăng rất nhanh, vượt ngoài dự báo của các chuyên gia phân tích. Nhiều người nghĩ rằng giá vàng tăng thì PNJ hưởng lợi nhưng PNJ là doanh nghiệp bán lẻ trang sức và vàng là yếu tố đầu vào để chế tác trang sức nên đây lại là sức ép đối với PNJ.
Giá vàng tăng quá nhanh sẽ làm cho sức mua trang sức bị giảm vì giá các sản phẩm đang tăng lên nhanh theo giá vàng trong khi túi tiền người tiêu dùng không tăng nhanh kịp. Nhà đầu tư trước đây có ngân sách 5-7 triệu đồng thì có thể mua món đồ 1 chỉ, thì bây giờ còn chưa tới 1 chỉ nên sức mua sẽ bị khó.
Giá vàng tăng nhanh làm cho tâm lý nhà đầu tư chỉ muốn đi mua rồi cất giữ chứ không đi bán, nên khi không có người bán thì nguồn cung vãng lai sẽ bị suy giảm nhiều. Kết hợp với việc mua bán hôm nay có nhiều các bước kiểm tra xác thực khách hàng nên cũng làm giảm tỷ lệ người mua bán.
Đây là bước chuyển của thị trường, sẽ chọn lọc lấy các doanh nghiệp có nền tảng chuyên nghiệp, minh bạch, chất lượng dịch vụ tốt hơn… để phát triển mạnh mẽ hơn sau khúc quanh này. Giai đoạn COVID-19, PNJ đi ngang trong 2 năm COVID rồi sau đó bật nhảy lên vùng doanh số 30,000 tỷ và lợi nhuận ở mức 2,000 tỷ, trong khi trước đó chúng ta chỉ ở mức dưới 20,000 tỷ doanh số và khoảng 1,000 tỷ lợi nhuận mà thôi; nên giai đoạn đi ngang này cũng giống như hồi 2019-2021, 2024- 2025 sẽ là giai đoạn khúc quanh tích lũy cho PNJ”.
Mục tiêu 2025 thận trọng, tập trung đầu tư dài hạn
Trong bối cảnh thị trường vàng nguyên liệu khan hiếm và sức mua giảm, PNJ đưa ra kế hoạch kinh doanh thận trọng cho năm 2025. Theo đó, doanh thu dự kiến đạt hơn 31,600 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 1,960 tỷ đồng, lần lượt giảm 17% và 7% so với kết quả thực hiện năm 2024. Dù vậy, Công ty vẫn giữ nguyên chính sách chia cổ tức tiền mặt ở mức 20%.
Sức mua tiêu dùng được kỳ vọng phục hồi thông qua những chính sách kích cầu của Chính phủ nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8%, nhưng ngành hàng trang sức và xa xỉ thường có độ trễ một nhịp. Trong kịch bản khả quan, sức mua có thể bắt đầu hồi phục trong nửa sau năm nay.
Khó khăn về nguồn cung được PNJ đánh giá là thách thức lớn cho hoạt động kinh doanh năm nay khi việc thu mua vàng nguyên liệu để đáp ứng nhu cầu chế tác trang sức gặp khó khăn hơn trước bởi giá vàng biến động mạnh và khan hiếm nguồn cung.
Đại diện ban HĐQT phát biểu tại ĐHCĐ
PNJ khi đặt ra kế hoạch kinh doanh năm nay bắt nguồn từ nhận định “trong nguy có cơ”. Do đó, thay vì tập trung lợi nhuận trước mắt, Công ty sẽ dành nguồn đầu tư dài hạn để tiếp tục gia tăng thị phần, nâng cao vị thế cạnh tranh của công ty trong ngành trang sức và mở rộng sang những ngành hàng mới theo đúng tầm nhìn chiến lược đến năm 2030.
Hoạt động của PNJ trong năm nay sẽ xoay quanh chiến lược mở rộng hệ thống cửa hàng, tăng công suất nhà máy, khai thác thị trường bán lẻ trang sức và củng cố chuỗi cung ứng.
Nhằm ghi nhận sự đóng góp của đội ngũ nhân sự, HĐQT PNJ trình cổ đông thông qua phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) trong năm 2025. Cụ thể, PNJ dự kiến phát hành hơn 3.2 triệu cổ phiếu, tương đương 0.96% số lượng cổ phiếu đang lưu hành, với giá 20,000 đồng/cp. Thời gian phát hành do HĐQT quyết định trong năm.
Đối tượng nhận ESOP bao gồm các thành viên HĐQT, Ban điều hành, cố vấn cấp cao, giám đốc, chuyên gia và nhân sự chủ chốt tại PNJ và các công ty thành viên. Tiêu chí lựa chọn cụ thể sẽ do HĐQT phê duyệt.
Toàn cảnh ĐHĐCĐ sáng 26/4
Về quy định chuyển nhượng, toàn bộ số cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế trong 12 tháng; 70% bị hạn chế trong 24 tháng và 40% bị hạn chế trong vòng 36 tháng kể từ ngày hoàn tất phát hành.
Sau đợt phát hành này, vốn điều lệ của PNJ sẽ tăng từ 3,381 tỷ đồng lên hơn 3,413 tỷ đồng.
Phiên họp Đại hội, HĐQT trình ĐHĐCĐ chủ trương mua lại tối đa 8 triệu cp (tương đương 2.5% tổng số cổ phiếu đang lưu hành) để giảm vốn điều lệ.
P. V