Ngày 22/03/2023 Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Hữu nghị Việt Nam – Đông Nam Á tổ chức Talkshow “Vòng tay khởi nghiệp trẻ trong bối cảnh chuyển đổi số”.
Đây là hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của sinh viên về tình hình chuyển đổi số tại Việt Nam gắn với các yếu tố nhân văn, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững; đồng thời tuyên truyền vai trò và tầm quan trọng của chuyển đổi số và các hoạt động khởi nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Đồng thời đây cũng là hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 56 năm ngày thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (08/8/1967 – 08/8/2023) và năm Indonesia làm chủ tịch luân phiên ASEAN với chủ đề “ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng”.
Chương trình với sự tham gia của các khách mời: PGS.TS. Phan Thị Hồng Xuân – Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Đông Nam Á; ThS. Vũ Tuấn Anh – Phó Tổng Giám đốc DR SME tư vấn tái cấu trúc và chuyển đổi số (Tác giả sách “Khởi nghiệp ngay – Sạt nghiệp luôn”, đồng tác giả sách “Hướng nghiệp 4.0”); Chị Nguyễn Thanh Hà – Hoa hậu Môi trường Thế giới 2023; Ông Ngô Anh Vương – Giám đốc Công ty Cổ phần Hạ tầng Toàn cầu GIC.
Trong chương trình, Thạc sĩ Vũ Tuấn Anh – Phó Tổng Giám đốc Phó Công ty Tư vấn tái cấu trúc và chuyển đổi số Dr. SME trình bày tham luận chính của chương trình về chuyển đổi số và khởi nghiệp của sinh viên. Thông qua đó, cung cấp cho sinh viên hiểu biết cơ bản về chuyển đổi số, những cơ hội và thách thức của Gen Z trong quá trình khởi nghiệp và chuyển đổi số.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư, chuyển đổi số đóng vai trò vô cùng quan trọng trong định hướng phát triển của Việt Nam và trở thành một trong những mục tiêu được quan tâm hàng đầu. Theo đó, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành chương trình hay chiến lược về chuyển đổi số, cụ thể là “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030″ do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 03/6/2020.
“Không nằm ngoài nhiệm vụ đó, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang tích cực hiện thực hóa quá trình chuyển đổi số, xem sinh viên là một trong những đối tượng quan trọng đóng góp trong quá trình chuyển đổi số của nhà trường và của quốc gia. Sinh viên của nhà trường có đầy đủ tố chất và cơ hội phát triển trong môi trường chuyển đổi số. Talkshow được tổ chức với mong muốn tạo môi trường và trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản cho sinh viên tiếp cận chuyển đổi số, xây dựng hệ giá trị của sinh viên nhà trường trên tinh thần trách nhiệm, chủ động hội nhập, tôn trọng sự khác biệt”, TS. Lê Nguyễn Quốc Khang – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết.
Ông Agustaviano Sofjan – Tổng lãnh sự Nước Cộng hòa Indonesia tại TP.HCM cho biết, trong thế giới đang hướng tới kỷ nguyên số, chúng ta cần đón nhận nền kinh tế số. ASEAN đã tích cực có những bước đi cụ thể trong chuyển đổi số. Nếu được áp dụng thành công, chuyển đổi số có thể đóng góp 1.000 tỷ USD vào tổng GDP của ASEAN vào năm tới, giúp ASEAN vươn lên là một trong những trung tâm đổi mới sáng tạo kỹ thuật số hàng đầu thế giới. Việt Nam và Indonesia là những nhân tố quan trọng trong ASEAN. Indonesia và Việt Nam chiếm 60% dân số ASEAN và 45% nền kinh tế ASEAN.
Indonesia dự định kế thừa thành quả và đưa ASEAN trở thành tâm điểm tăng trưởng trong khu vực. Vì vậy Tổng lãnh sự quán Nước Cộng hòa Indonesia tại TP.HCM khuyến khích thế hệ trẻ Việt Nam mang đến những ý tưởng mới về cách tăng cường hợp tác ASEAN bằng cách tham gia cuộc thi việt do Tổng lãnh sự quán Indonesia phối hợp với VAFA, APTISI (Hiệp hội các doanh nghiệp tư nhân), các trường đại học ở Indonesia và Gojek Việt Nam tổ chức. Trong bối cảnh ASEAN là tâm điểm của tăng trưởng, các thí sinh có thể trình bày các ý tưởng về cách ASEAN có thể đóng góp vào việc tăng cường phục hồi kinh tế và đưa ASEAN trở thành động lực tăng tưởng bền vững của thế giới.
P.V