Mùa xây dựng đang vào cao điểm cuối năm, tại các đại lý sơn trên địa bàn TP Hà Nội, nhiều chủ cửa hàng phần nào bớt đi nỗi lo khi dần có nhiều khách hàng đến mua.
Nhiều chủ cửa hàng cho biết, lượng khách đã tăng gấp đôi, gấp ba so với những tháng trước do nhu cầu hoàn thiện công trình tăng cao.
Thị trường sơn trong nước đa dạng về chủng loại, mẫu mã. Ảnh: Thành Luân
Dần phục hồi
Anh Nguyễn Văn An (trú tại Đội Cấn, Ba Đình) chia sẻ, căn nhà của gia đình đã xây dựng cách đây hơn 15 năm, tường xuống cấp nên anh quyết định sơn mới lại. “Tôi quan tâm đến dòng sản phẩm cao cấp, đảm bảo sức khỏe cho gia đình. Bên cạnh đó, 2 đứa nhỏ nhà tôi thường xuyên vẽ lên tường nên cần một sản phẩm dễ dàng lau chùi và kháng khuẩn” – anh An cho hay.
Một đại lý sơn Dulux, Jotun tại đường Đại Cồ Việt (quận Hai Bà Trưng) thông tin, từ đầu tháng 3, giá sơn Dulux đã tăng 2 lần liên tiếp nên khó bán, tâm lý người tiêu dùng dè chừng hơn khi lựa chọn các dòng sơn. Tuy nhiên, dịp cuối năm, nhu cầu sửa nhà lớn, hơn nữa thu nhập người dân dần phục hồi sau dịch nên tình hình kinh doanh cửa hàng đã có tiến triển tích cực.
Sau đại dịch Covid-19, phân khúc sơn dành cho nhà ở đang có cơ hội bứt phá mạnh mẽ, chiếm thị phần lớn trong tổng kim ngạch sản phẩm ngành sơn và chất phủ với 62% sản lượng. Dự kiến cuối năm 2022, thị trường bán lẻ sơn và chất phủ trang trí tại Việt Nam sẽ tăng 30%, từ 89.000 tỷ đồng (382 triệu USD) lên 107.000 tỷ đồng (459 triệu USD).
Theo đại diện Hiệp hội Sơn – Mực in Việt Nam (VPIA), năm 2022, ngành công nghiệp sơn – mực in tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức toàn cầu từ biến động giá dầu mỏ, chiến tranh Ukraine – Nga, đứt gãy chuỗi cung ứng, sự hỗn loạn hệ thống logistics, cuộc chiến thuế quan Mỹ – Trung chưa có hồi kết, lạm phát đang ở mức cao, thậm chí là nguy hiểm khiến sức mua giảm. Thách thức này ảnh hưởng khá nhiều đến ngành công nghiệp sơn – mực in Việt Nam.
Bên cạnh đó, các yếu tố nội tại như người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, bất động sản có dấu hiệu trầm lắng trên diện rộng, các dự án cơ sở hạ tầng bị đội vốn, chậm tiến độ hoặc chậm khởi công, khó tiếp cận nguồn vốn vay… Tất cả các điều trên làm cho việc dự đoán “sức khỏe” của DN từ nay đến cuối năm 2022 gần như bất khả thi.
Đề cao tính thân thiện với môi trường
Sơn nhà là khâu cuối cùng trong việc hoàn thiện công trình, đóng vai trò quan trọng và ảnh hưởng đến vẻ đẹp cũng như khả năng bảo vệ của ngôi nhà. Việc sử dụng sơn kém chất lượng làm giảm tính thẩm mỹ của ngôi nhà, thậm chí gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người sử dụng.
Các chuyên gia đánh giá, nhu cầu ngày càng tăng của người dùng về lớp phủ xanh, thân thiện với môi trường và các quy định môi trường ngày càng nghiêm ngặt. Các yếu tố như không dễ cháy, không mùi, thời hạn sử dụng dài, không độc hại, được dự đoán sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường sơn.
Đơn cử, AkzoNobel liên tục cho ra mắt những dòng sơn thân thiện với môi trường với hàm lượng VOC thấp và khả năng trung hòa mùi, giúp đảm bảo một không gian sống lành mạnh. Tại các nhà máy của AkzoNobel trên toàn thế giới, những chính sách tiết kiệm năng lượng, nước sạch và tái chế rác thải được thực hiện nghiêm ngặt. Đồng thời, công ty cũng yêu cầu những đối tác cung cấp nguyên liệu của mình thực hành sản xuất bền vững nhằm đưa đến cho khách hàng sản phẩm và dịch vụ mang tính bền vững toàn diện.
Với nhãn hàng sơn nước nội và ngoại thất, TOA 4 Seasons tiêu chí sản phẩm phải mang tính an toàn, thân thiện với môi trường, sơn không chỉ là chất phủ trang trí bề mặt tường mà còn bảo vệ được người sử dụng bên trong ngôi nhà, giúp người tiêu dùng có môi trường sống xanh. Các sản phẩm áp dụng công nghệ TOA 4 Powers với những tính năng vượt trội như chống bám bụi, kháng tia UV, dễ lau chùi và chống nấm mốc… hoàn toàn phù hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa của Việt Nam.
Hiện có khoảng 600 DN đang hoạt động trong ngành sơn và chất phủ của Việt Nam, trong đó có 70 DN có vốn đầu tư nước ngoài. Theo báo cáo của VPIA, trong 5 năm qua, các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sản xuất đã chiếm hơn 65% thị trường Việt Nam mặc dù số lượng ít, trong khi của DN trong nước chỉ chiếm 35% thị phần. |