Trong thời điểm kinh tế khó khăn, sức mua suy giảm, để tiêu thụ hàng Việt doanh nghiệp cần đẩy mạnh kết nối cung cầu, đáp ứng nhu cầu khách hàng. Hoạt động này giúp doanh nghiệp đổi mới, phát triển sản phẩm, đồng thời tạo cơ hội hợp tác thúc đẩy bán lẻ phát triển.
Cung cầu chưa gặp nhau
Từ đầu năm đến nay, tình hình kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục khó khăn, thêm vào đó xung đột giữa Nga – Ukraine đang có những ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng, lưu chuyển thương mại.
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, quý III vừa qua, sức mua trong nước suy yếu nên doanh thu nhiều mặt hàng sụt giảm so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh đó, bức tranh xuất nhập khẩu cũng khá ảm đạm khi tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 10 tháng ước đạt 557,95 tỷ USD, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 7,1%, nhập khẩu giảm 12,3%. Trong bối cảnh các nền kinh tế lớn tăng trưởng chậm lại, nhiều tổ chức dự báo xuất nhập khẩu cả năm 2023 sẽ giảm mạnh 9 – 10%.
Người tiêu dùng mua hàng hóa tại siêu thị Big C. Ảnh: Hoài Nam
Tại diễn đàn “Đẩy mạnh hiệu quả kết nối cung – cầu” do Bộ Công Thương vừa tổ chức, Phó trưởng phòng Kế hoạch – Tổng hợp (Cục Công thương địa phương – Bộ Công Thương) nêu rõ, bên cạnh sức mua suy giảm, hoạt động kết nối, tiêu thụ sản phẩm giữa nhà sản xuất với doanh nghiệp bán lẻ còn lỏng lẻo. Những khó khăn này khiến việc đưa hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam vào các chuỗi hệ thống bán lẻ, siêu thị không hề dễ dàng. Điều này khiến nhiều sản phẩm Việt chất lượng cao “bí” đầu ra, hàng hóa không đến được tay người tiêu dùng.
Đồng tình với ý kiến này, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga cho biết, thực tế hoạt động kết nối cung – cầu tiêu thụ sản phẩm thời gian qua cho thấy, doanh nghiệp sản xuất với nhà bán lẻ chưa tìm được tiếng nói chung. Cụ thể, doanh nghiệp phân phối chưa chủ động tiếp cận với các nguồn hàng ổn định và có chất lượng. Trong khi đó, hộ nông dân do chưa xây dựng được thương hiệu nên khó đáp ứng được tiêu chuẩn của các nhà phân phối về chất lượng, sản lượng nên gặp khó khăn trong quá trình đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối hiện đại một cách bền vững.
Người tiêu dùng mua hàng hóa tại siêu thị Co.op Mart. Ảnh: Hoài Nam
Nguyên Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu phản ánh, hiện hệ thống phân phối hàng hoá, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu chưa được quan tâm phát triển đồng bộ. Hệ thống chợ truyền thống đa số là chợ tạm, đã xuống cấp nhưng chưa được đầu tư xây mới, việc chuyển đổi mô hình quản lý còn thấp, nhất là các chợ ở nông thôn, miền núi, vùng cao.
Việc tổ chức các phiên chợ hàng Việt chỉ hướng vào mục đích bán hàng nên chưa tạo được sức lan toả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Bản thân người tiêu dùng chịu ảnh hưởng rất nhiều từ quảng cáo qua thương mại điện tử, trong khi các hình thức quảng cáo này gây nhiễu loạn khiến doanh nghiệp, người tiêu dùng dễ nhầm lẫn về chất lượng, thương hiệu sản phẩm, làm mất niềm tin vào hàng Việt.
Cần chiến lược kinh doanh dài hơi
Theo các chuyên gia kinh tế, để lấy được niềm tin của người tiêu dùng, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn trong khâu sản xuất, phân phối hàng hóa, tránh biến động giá. Cùng với đó, cần tổ chức lại các điểm bán hàng để người tiêu dùng có thể mua được sản phẩm nhanh chóng, tiện lợi nhất.
Người tiêu dùng mua hàng hóa trong sự kiện “Hà Nội đêm không ngủ – HaNoi Midnight Sale” do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức Ảnh: Hoài Nam
Hiến kế đẩy mạnh kết nối cung cầu trong thời gian tới, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương Vũ Quang Hùng cho rắng, cơ quan nhà nước cần đổi mới công tác xúc tiến thương mại theo hướng hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất xây dựng nhãn hiệu, bao bì, phát triển thương hiệu… phù hợp với xu thế phát triển của thương mại điện tử.
“Ngành công thương cần phát huy vai trò cầu nối, giới thiệu, liên kết hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp bán lẻ với người sản xuất. Phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại để hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản”-ông Hùng nhấn mạnh.
Đồng tình với ý kiến này, Trưởng phòng nghiên cứu dự báo thị trường (Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương) Vương Quang Lượng cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất cần chủ động tập trung sản xuất, kinh doanh những sản phẩm, lĩnh vực mà đơn vị có lợi thế. Đồng thời, tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp cùng ngành nghề, lĩnh vực qua đó bổ sung nguồn lực. Ngoài ra, cần đổi mới, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, tìm hiểu chọn kênh phân phối phù hợp theo năng lực đáp ứng.
Doanh nghiệp giảm giá sản phẩm trong ngày Black Friday 2023. Ảnh: Hoài Nam
Giám đốc nghiên cứu hành vi khách hàng, đại diện khu vực phía Bắc tại NielsenIQ Việt Nam Đặng Thúy Hà đề xuất, các nhà phân phối cần tăng cường hoạt động quảng bá sản phẩm để giúp người tiêu dùng biết nhiều hơn đến hàng Việt. Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất thực hiện đúng các quy định về chất lượng sản phẩm. Đồng thời, chú trọng cung cấp thông tin người tiêu dùng về tình hình nguồn cung hàng hóa, từ đó tạo tâm lý ổn định, xử lý kịp thời các thông tin sai lệch gây tâm lý bất ổn cho người tiêu dùng. Ngoài ra, cần tăng cường đẩy mạnh liên kết vùng, từ đó có định hướng phát triển, để không bị mất cân đối, không bị dư cung và khó khăn trong tiêu thụ. Tổ chức lại các điểm mua sắm cho người dân, trong đó chú trọng đến vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa để người tiêu dùng có thể mua được hàng Việt nhanh chóng. Phát triển thương mại điện tử để kích thích nhu cầu tiêu dùng của giới trẻ.
Theo tieudung.kinhtedothi.vn