Sáng ngày 22/09 Triển lãm quốc tế lần thứ 20 về máy móc thiết bị công nghiệp ngành dệt và may đã chính thức khai mạc.
Sau 3 năm gián đoạn song triển lãm năm nay vẫn thu hút 200 doanh nghiệp từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ như Anh, Ấn Độ, Indonesia, Đức, Đài Loan, Hàn Quốc, Hong Kong, Ý, Mỹ, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc… Đáng chú ý, VTG cũng quy tụ nhiều nhà sản xuất lớn trên khắp thế giới, trưng bày các thiết bị nhà máy tự động và thông minh phù hợp với xu hướng mới trong ngành dệt, từ nguyên liệu dệt tái chế, vải đến thuốc nhuộm thân thiện với môi trường.
Trong số đó có nhà cung cấp giải pháp nhà máy thông minh hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất may mặc HOANG MA, cùng các thương hiệu máy may nổi tiếng như JUKI, PEGASUS và SIRUBA.
Nhiều đơn vị tiêu biểu khác cũng đã sẵn sàng như TAJIMA – đơn vị cung cấp máy thêu cỡ lớn, SUPREME – nhà cung cấp giải pháp tuỳ chỉnh tự động, các doanh nghiệp hàng đầu trong dây chuyền máy cắt như COSMA, YYC, WINDA và BOK.
Các nhà cung cấp vải, sợi chất lượng cao như MADEIRA, MORIRIN và SHEICO, các nhà cung cấp giải pháp in thông minh như EPSON và SANXIN, các nhà sản xuất máy hoàn thiện sản phẩm như VAV và POLTEKS, và cả các đơn vị cung cấp hệ thống giá treo công nghệ cao như INA…cũng sẽ hội tụ tại sự kiện tầm cỡ quốc tế này.
Tất cả sẽ trình làng những sản phẩm mới nhất cùng các giải pháp hiệu quả xuyên suốt toàn bộ chuỗi công nghiệp hoàn chỉnh trong ngành dệt may.
Đơn vị tổ chức triển lãm và hội chợ thương mại hàng đầu tại khu vực ASEAN và Đông Á trong hơn 3 thập niên qua cho biết, trong 4 ngày diễn ra triển lãm, hàng loạt các phiên hội thảo cũng sẽ được tổ chức. Các diễn giả từ các Hiệp hội công nghiệp lớn sẽ chia sẻ những kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm quý báu nhằm mang lại thêm nhiều giá trị cho các bên tham gia.
Triển lãm VTG hàng năm luôn thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước và thế giới.
Cụ thể theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI), trong 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam thu hút được hơn 14 tỉ đô la Mỹ vốn FDI. Động thái này đã khuyến khích các thương nhân quốc tế tìm cách khám phá thị trường tiềm năng tại Việt Nam, đồng thời tái kích hoạt nền kinh tế quốc gia trong thời kỳ hậu đại dịch.
Đối với ngành dệt may, Việt Nam được đánh giá là một trong những đất nước sản xuất xuất khẩu hàng đầu trên thế giới hiện nay. Đáng chú ý, xuất khẩu dệt may trong nửa đầu năm nay đạt khoảng 22,3 tỉ đô la, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm ngoái được giới phân tích đánh giá là mức tăng trưởng khá cao trong bối cảnh thị trường thế giới còn nhiều khó khăn. Mặc dù những tháng cuối năm được cho là còn thách thức nhưng các chuyên gia trong ngành dự báo kết thúc năm nay, dệt may Việt Nam vẫn sẽ đạt mục tiêu 43-43,5 tỉ đô la kim ngạch xuất khẩu.
Với giá trị xuất khẩu lớn và có tiếng vang về chất lượng cùng với giá cả cạnh tranh trên thế giới, ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đã ngày càng thu hút nhiều nhà đầu tư quốc tế trong những năm gần đây. Xu hướng thị trường và sự phục hồi kinh tế của các quốc gia xuất khẩu lớn hậu đại dịch đã cho thấy triển vọng tiếp tục tạo nên cơn sốt của ngành công nghiệp dệt may trong thời gian tới.
Để biết thêm chi tiết, vui lòng truy cập website: https://www.chanchao.com.tw/vtg/
Triển lãm quốc tế danh tiếng về máy móc thiết bị ngành công nghiệp dệt & may Việt Nam (VTG) sẽ được tổ chức trở lại tại TPHCM từ ngày 21 đến 24–9–2022 hứa hẹn sẽ mang đến nhiều công nghệ và giải pháp toàn diện về chuỗi sản xuất cho doanh nghiệp dệt may hậu Covid-19.
P.V