Số dư tiền gửi tiết kiệm tăng mạnh
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 5, số dư tiền gửi trên tài khoản thanh toán cá nhân tại hệ thống ngân hàng tiếp tục có xu hướng tăng mạnh. Theo đó, lượng tiền gửi dân cư tại hệ thống ngân hàng đạt gần 5,57 triệu tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng tiền gửi dân cư thời gian này đạt 5,07%, cao hơn nhiều mức tăng 2,6% cùng kỳ năm ngoái. Chỉ riêng trong tháng 5, tiền gửi của dân cư tăng hơn 36.909 tỷ đồng so với tháng trước, tốc độ tăng dòng tiền từ khách hàng cá nhân cao hơn đáng kể so với tốc độ tăng của tiền gửi từ tổ chức kinh tế.
Một số chuyên gia tài chính – ngân hàng lý giải nguyên nhân lượng tiền gửi tiết kiệm của người dân tăng cao đến từ việc các ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động và “chạm đỉnh” trong những tháng qua.
Thực tế, theo khảo sát của phóng viên, hiện không khó để người dân tìm thấy mức lãi suất tiết kiệm cao trên 7%/năm. Đơn cử, SCB đang áp dụng mức lãi suất 7,55% cho các kỳ hạn từ 18-36 tháng khi gửi tiết kiệm trực tuyến, cao hơn 0,2% so với lãi suất tiết kiệm trong tháng 5. Có nghĩa là khách hàng gửi 200 triệu đồng với kỳ hạn 18 tháng trong thời gian này sẽ nhận được tiền lãi là 15,1 triệu đồng, thay vì 14,6 triệu đồng như trước đó.
![]() |
Tiết kiệm ngân hàng thêm hấp dẫn với nhà đầu tư cá nhân. |
Đáng chú ý, ngân hàng có biến động lãi suất cao nhất trong tháng này phải kể đến ACB. Hiện, nhà băng này đã tăng 0,9%/năm lãi suất tiết kiệm cho kỳ hạn 1 và 9 tháng, tăng 0,6%/năm cho kỳ hạn 3 và 12 tháng, tăng 0,8% một năm đối với kỳ 6 tháng. Theo đó, ngân hàng đang có mức lãi suất dao động từ 3,95-6,4%/năm, tùy vào kỳ hạn và số tiền gửi khi tham gia vào các gói tiết kiệm.
Tương tự, HDBank trong tháng 7 cũng nâng 0,4%/năm lãi suất cho khách hàng gửi tiền 1-3 tháng, tăng 0,3%/năm cho kỳ hạn 6-9 tháng, tăng 0,2%/năm kỳ hạn 12 tháng. Đây cũng là ngân hàng đang áp dụng lãi suất 7,15%/năm cho số tiền gửi từ 300 tỷ đồng trở lên gửi tại kỳ hạn 13 tháng.
Theo báo cáo cập nhật ngành Ngân hàng của Công ty Chứng khoán SSI, kỳ vọng lãi suất huy động trong nửa cuối năm 2022 có thể tăng thêm 0,5-0,7 điểm phần trăm sau khi nới hạn mức tăng trưởng tín dụng, lãi suất huy động cả năm được kỳ vọng tăng 1-1,5%.
Trong khi đó, tại báo cáo Triển vọng thị trường Việt Nam tháng 7/2022, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) dự báo lãi suất huy động ở các ngân hàng có thể tiếp tục tăng thêm khoảng 0,5 điểm phần trăm để bổ sung nguồn vốn trong nửa cuối năm 2022.
Nhiều yếu tố hỗ trợ từ các kênh đầu tư khác
Ở góc độ khác, việc mua vàng, ngoại tệ để tích trữ như một kênh đầu tư của người dân trong thời gian qua cũng đã giảm.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV khẳng định, nền kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát được lạm phát và tỷ giá tương đối tốt trong khoảng 5 năm vừa qua khiến tâm lý găm giữ vàng cũng giảm theo do đầu tư vào vàng nhiều rủi ro và không dễ kiếm lời. Khuôn khổ pháp lý sau khi có Nghị định 24 của NHNN về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã giúp thị trường vàng đang dần ổn định hơn.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán tiếp tục có những biến động mạnh. Theo thống kê từ StockQ, VN-Index rơi vào top 15 chỉ số chứng khoán có hiệu suất tệ nhất thế giới trong 6 tháng đầu năm. Vốn hóa toàn thị trường đã bốc hơi hơn 1,22 triệu tỷ đồng, hàng loạt đơn vị theo đó rời khỏi nhóm công ty được định giá tỷ USD. Hàng loạt nhà đầu tư rơi vào tình trạng thua lỗ vì giá giảm từ 20-60% so với trước đó.
Anh Nguyễn Tuấn Anh, một nhà đầu tư chứng khoán lâu năm tại Hà Nội thừa nhận nếu đầu tư vào giai đoạn này thực sự chứa đựng quá nhiều rủi ro trước những biến động bất thường của thị trường, do đó anh quyết định chuyển dòng tiền sang các kênh đầu tư khác an toàn hơn như gửi tiết kiệm ngân hàng.
Bên cạnh chứng khoán, thị trường bất động sản cũng đang giảm sức hút với các nhà đầu tư cá nhân. Một chuyên gia phân tích, thị trường bất động sản đã đẩy cung ảo tăng lên nhiều lần so với nhu cầu thực sự của người mua bất động sản để ở.
Ông Nguyễn Đức Thêm, Quản lý cấp cao Bộ phận Kinh doanh nhà ở của Savills Hà Nội dự báo thị trường trong 6 tháng còn lại của năm 2022 sẽ không xuất hiện nhiều đột biến, cơ hội sinh lời “nóng” thông qua đầu tư bất động sản cũng giảm.
Trong khi đó, theo Thông tư số 04 của Ngân hàng Nhà Nước quy định về việc áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, từ ngày 1/8/2022, người gửi tiền tiết kiệm rút trước hạn một phần sổ tiết kiệm thì số tiền còn lại vẫn được giữ nguyên lãi suất ban đầu chứ không bị áp mức không kỳ hạn như hiện nay. Đây sẽ là “một điểm cộng” lớn để người dân ưu tiên lựa chọn tiết kiệm ngân hàng là kênh lưu trú tài sản.
TS. Cấn Văn Lực cho rằng, về cơ bản quy định này phù hợp với thông lệ quốc tế và là bước tiến mới của ngành Ngân hàng nước ta. So với quy định cũ, cách tính lãi khi rút trước hạn một phần khoản tiền gửi giúp người gửi tiền có lợi hơn.