Cùng với việc hỗ trợ về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, tháo gỡ khó khăn, thành phố còn đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, bình ổn giá; đồng thời, nắm bắt thông tin để kịp thời hỗ trợ tháo gỡ, nhất là thủ tục tín dụng nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận, cập nhật chính sách mới của Chính phủ.
Chương trình phát triển kinh tế được triển khai ở nhiều lĩnh vực như dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp; trong đó có việc phục hồi ngành du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn COVID-19, khôi phục tất cả hoạt động và sản phẩm du lịch trên địa bàn, chuẩn bị kỹ các điều kiện sẵn sàng đón khách du lịch quốc tế.
Các đề án phát triển ngành logistics, thương mại điện tử đến năm 2025 – định hướng đến năm 2030 cũng được triển khai cùng với việc xem xét thí điểm mô hình vận hành, giải pháp tổ chức hoạt động theo hướng chuyển đổi số đối với hệ thống chợ đầu mối, chợ truyền thống; tiếp tục phát triển xuất khẩu theo mô hình tăng trưởng bền vững, vừa mở rộng quy mô xuất khẩu, vừa chú trọng nâng cao giá trị gia tăng xuất khẩu trên cơ sở tăng cường đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D)…
Thành phố hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ, kênh thương mại trực tuyến do các tổ chức nước ngoài triển khai để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, tìm kiếm các thị trường mới thay cho các thị trường truyền thống lâu nay.
Hoạt động xúc tiến thương mại được đẩy mạnh và tăng cường quảng bá, tiêu thụ sản phẩm ở thị trường nội địa, hỗ trợ đưa sản phẩm ra nước ngoài thông qua các cơ quan đại diện Việt Nam ở các nước và khu vực…
Trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, Tp. Hồ Chí Minh triển khai phục hồi sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị đứt gãy, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường xuất nhập khẩu nguyên vật liệu, phụ tùng, linh kiện thay thế; tập trung vào khâu tổ chức kết nối và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp nước ngoài; phát triển chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản thực phẩm theo hướng đảm bảo an toàn; đẩy mạnh tổ chức sản xuất, sơ chế, chế biến, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường…
Về cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp, hiện Tp. Hồ Chí Minh đang rà soát chính sách phù hợp để thu hút nhanh, hiệu quả doanh nghiệp lớn ở trong nước và nước ngoài đầu tư có trọng tâm, chọn lọc; ưu tiên dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, quản trị hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu.
Mặt khác, tăng cường chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa, giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa với doanh nghiệp FDI, tập đoàn tư nhân lớn dẫn dắt trong chuỗi giá trị. Ngoài ra, thành phố cũng chuẩn bị sẵn các điều kiện cần thiết (đất đai, thủ tục…) nhằm khuyến khích, mời gọi, hỗ trợ để hình thành các dự án, doanh nghiệp quy mô lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh cao ở khu vực và quốc tế; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng suất chất lượng và đổi mới sáng tạo; hình thành mạng lưới trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển sản phẩm và thị trường.
Bên cạnh đó, Thành phố tăng cường liên kết đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước; đẩy nhanh chương trình chuyển đổi số để doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận và tham gia hiệu quả vào quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đổi mới quy trình và công nghệ sản xuất; từng bước chuyển khu vực kinh tế dịch vụ đơn thuần sang số hoá như thương mại điện tử, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, thúc đẩy phát triển các nền tảng trực tuyến trong lĩnh vực giáo dục và y tế.
Theo Doanhnghiephoinhap.vn