“Năm 2022 chủ đề của TP.HCM là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”. Đồng thời, toàn hệ thống chính trị sẽ nỗ lực cao nhất phấn đấu GRDP từ 6-6,5%”, Bí thư Nguyễn Văn Nên thông tin.
Thực hiện chương trình làm việc năm 2021 của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy khóa XI, Hội nghị lần thứ 10 Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM XI mở rộng được tổ chức vào các ngày 1, 2/12 thông qua hình thức trực tuyến.
Nhiều chỉ tiêu chưa đạt
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đánh giá, cuối tháng 9/2021, TP.HCM đã từng bước kiểm soát dịch COVID-19 để bước sang trạng thái “bình thường mới”, nhưng thành phố đã gánh chịu nhiều tổn thất nặng nề, nhiều người đã không thể vượt qua, các mặt của đời sống, kinh tế – xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Quý I/2021, tình hình kinh tế – xã hội của TP.HCM phát triển khá đồng đều và ổn định, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 4,58%. Đến 6 tháng đầu năm thì bắt đầu chững lại và cuối năm 2021, kinh tế – xã hội sụt giảm nghiêm trọng.
Theo dự toán, năm nay, TP.HCM có thể hoàn thành 13/29 chỉ tiêu, không hoàn thành 14/29 chỉ tiêu và còn 2 chỉ tiêu đến cuối năm mới đủ cơ sở tính toán. Dù vậy vẫn có một số điểm sáng, trong đó, kim ngạch xuất khẩu (không tính dầu thô) tăng 2,8%; kim ngạch nhập khẩu tăng 24,9% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, tổng thu ngân sách Nhà nước đến cuối năm, TP.HCM có thể phấn đấu đạt 100% chỉ tiêu.
Trên cơ sở đó, Bí thư Thành ủy TP.HCM yêu cầu các đại biểu đánh giá khách quan, toàn diện tình hình phát triển kinh tế – xã hội năm 2021, đưa ra những phân tích, nhận định, dự báo cho năm 2022 và những năm tiếp theo.
Đồng thời, TP.HCM xác định chủ đề năm 2022, có thể là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, đồng hành cùng doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư”.
“Điều đó có nghĩa là TP.HCM thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ và tiếp tục thực hiện chủ đề năm 2021. Đặc biệt, cần cho ý kiến về các nhóm giải pháp với những nhiệm vụ cụ thể trong năm 2022”, Bí thư Nên lưu ý.
Bên cạnh đó, Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM đã thảo luận và cho ý kiến về báo cáo về công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, công tác dân vận năm 2021; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2022; chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội thành phố giai đoạn 2022-2025; báo cáo tình hình kinh tế – xã hội TP.HCM năm 2021; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2022…
Các ý kiến thảo luận của đại biểu đã tập trung làm rõ, cung cấp thêm thông tin và nêu đề xuất, kiến nghị trên các nhóm vấn đề kế hoạch củng cố kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; tình hình và công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các địa phương; những khó khăn về nhân lực y tế cơ sở và đề xuất giải pháp huy động các nguồn lực y tế tham gia phòng, chống dịch với mô hình bác sĩ gia đình, phòng khám gia đình; đề xuất về chế độ chính sách cho cán bộ xã; về công tác xây dựng các chính sách hỗ trợ, chăm lo an sinh xã hội cho người dân thành phố; các giải pháp sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, về điều chỉnh quy hoạch chung của TP. Thủ Đức, về chính sách đối với nhà ở xã hội, nhà cho công nhân thuê…
Trong khi đó, phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi xác định các vấn đề đặt ra trong thời gian tới, bao gồm xây dựng, kết nối và sử dụng dữ liệu phục vụ phòng, chống dịch COVID-19, điều hành kinh tế xã hội và quản trị thành phố; công tác thông tin, tuyên truyền để tạo sự đồng thuận, phát huy các nguồn lực phòng chống dịch và phát triển kinh tế xã hội; cần có kế hoạch tổng thể ứng phó các tình huống an ninh phi truyền thống.
“Việc thực hiện chủ đề năm 2021 đã đạt kết quả đáng khích lệ, tạo nền tảng cho năm 2022 và những năm tiếp theo, với các điểm sáng như dù tăng trưởng âm nhưng thành phố vẫn đạt chỉ tiêu thu ngân sách năm 2021, hoạt động của các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, hoạt động thu hút FDI vẫn duy trì trong giãn cách và phục hồi nhanh, có mức tăng đáng khích lệ, một số ngành dịch vụ tăng trưởng trong bối cảnh khó khăn.”, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho hay.
Theo Chủ tịch Phan Văn Mãi, năm 2022, để thích ứng linh hoạt, TP.HCM cần thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ như: Đảm bảo trụ cột y tế là hàng đầu, trọng tâm để đảm bảo an toàn cho phục hồi kinh tế, không phải là siết chặt các hoạt động; phục hồi kinh tế; đảm bảo an sinh xã hội; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; huy động các nguồn lực phát triển.
Về nâng cao chất lượng chính quyền đô thị, TP.HCM sẽ quán triệt và cụ thể hoá các nghị quyết chuyên đề của Thành uỷ về TP.Thủ Đức và huyện Cần Giờ; tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54 của Quốc hội, chuẩn bị tổng kết và đề xuất cơ chế tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết; Tiếp tục hoàn thiện đề án phân cấp phân quyền cho TP. Thủ Đức và đề án cơ chế đặc thù cho TP. Thủ Đức; xây dựng, triển khai đề án chuyển một số huyện thành quận (hoặc thành phố)…
Còn về kinh tế – ngân sách, TP.HCM sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, thu hút đầu tư ngoài ngân sách; xây dựng và thực hiện đề án quản lý hiệu quả tài sản công, nhà, đất công; thực hiện cổ phần hoá; tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện đối tác công – tư (PPP)…
GRDP năm 2022 phấn đấu đạt từ 6-6,5%
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh về một số nội dung tình hình kinh tế – xã hội năm 2021 và nhiệm vụ giải pháp trọng tâm trong năm 2022.
Cụ thể, về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Bí thư Nên đánh giá năm 2021 là năm rất đặc biệt, chưa từng có tiền lệ, khi phải ứng phó với đại dịch COVID-19. Toàn hệ thống chính trị cùng các tầng lớp nhân dân TP.HCM đã chung sức đồng lòng, nỗ lực, quyết tâm, quyết liệt thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống; từng bước vượt qua thử thách và đến nay đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, bước vào giai đoạn “bình thường mới”. Hiện nay, thế giới lại phải đối mặt với biến thể mới mang tên Omicron rất đáng quan ngại, cần chuẩn bị các kịch bản ứng phó.
Về tình hình kinh tế – xã hội năm 2021, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2022, đại dịch COVID-19 đã gây tác hại rất nghiêm trọng đến kinh tế – xã hội TP.HCM, đến mọi mặt của đời sống xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến một bộ phận người lao động.
Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận khách quan vẫn còn nhiều điểm sáng rất cần nghiên cứu, tìm nguyên nhân, bài học thành công trong gian khó, nhất là thu ngân sách nhà nước đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, kim ngạch xuất khẩu giữ được ổn định; nhiều doanh nghiệp thành lập mới, trụ vững và quay lại thị trường nhờ biết thích ứng, linh hoạt, sáng tạo chuyển đổi phương thức sản xuất kinh doanh, áp dụng công nghệ thông tin.
Hội nghị đã xem xét, thảo luận và cơ bản đồng tình với chủ đề của TP.HCM năm 2022 là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”. Đồng thời, thống nhất về mục tiêu tổng quát và 20 chỉ tiêu kinh tế – xã hội chủ yếu cùng với 7 nhóm giải pháp và 21 nhiệm vụ cụ thể.
Toàn hệ thống chính trị sẽ tập trung nỗ lực cao nhất phấn đấu GRDP năm 2022 từ 6-6,5%.
Về chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2022-2025 và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025, hội nghị đã thảo luận, cơ bản thống nhất các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp, với tinh thần không thay đổi các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI đề ra, trên cơ sở điều chỉnh một số nhiệm vụ theo thứ tự ưu tiên phù hợp với yêu cầu tình hình mới.
Nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt là xây dựng hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực để cơ cấu lại kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung phát triển kinh tế số, chú trọng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, cải thiện năng suất lao động.
Về nhiệm vụ quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội TP.HCM giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, hội nghị đã thống nhất với tờ trình của Ban cán sự đảng UBND TP.HCM về quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc và các nội dung quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050…
Theo NĐT