Từ đầu năm đến hết tháng 11, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng giảm 60% so với cùng kỳ năm trước và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ giảm 56%.
Tính từ đầu năm đến hết tháng 11, có tổng cộng 2 đợt phát hành ra quốc tế của Công ty Cổ phần Tập đoàn VinGroup trị giá 625 triệu USD, 23 đợt phát hành ra công chúng với giá trị 10.599 tỉ đồng (chiếm 4% tổng giá trị phát hành) và 420 đợt phát hành riêng lẻ trị giá xấp xỉ 242.865 tỉ đồng (chiếm 96% tổng giá trị phát hành). Như vậy, từ đầu năm đến nay, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng giảm 60% so với cùng kỳ năm trước và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ giảm 56%.Về cơ cấu, nhóm ngân hàng vẫn dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng giá trị đạt 136.371 tỉ đồng, tương đương 53,8% tổng giá trị phát hành. Nhóm bất động sản đứng ở vị trí thứ hai với 51.829 tỉ đồng, chiếm khoảng 20,4%. Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp đã thực hiện mua lại 163.974 tỉ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2021. Theo phía, VBMA cho biết, trong năm 2023, sẽ có khoảng 308.622 tỉ đồng trái phiếu đáo hạn.
Tại Nghị quyết 156/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11.2022 vừa qua, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương đánh giá, rà soát kỹ, đề xuất việc sửa đổi Nghị định số 65/2022 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế; bảo đảm công khai, minh bạch, quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và an toàn, an ninh thị trường tài chính, tiền tệ.
Chính phủ cũng đã thành lập Tổ công tác để xử lý các vấn đề liên quan đến TPDN do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm Tổ trưởng. Theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long, TPDN là thị trường có tiềm năng rất lớn, là kênh huy động vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp. Tại Việt Nam, thị trường TPDN đã đạt tốc độ tăng trưởng nhanh ở mức 45%/năm trong gần 5 năm gần đây. Tuy nhiên, có một thực tế rằng thị trường đã khá trầm lắng trong thời gian gần đây sau khi cơ quan quản lý tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động phát hành, cung cấp dịch vụ trên thị trường.
Để thúc đẩy lại cho TPDN, ông Ngô Trí Long cho rằng, hiện tại cần thực hiện 3 giải pháp bao gồm sớm phục hồi niềm tin với các biện pháp cụ thể; tháo gỡ khó khăn về thanh khoản và hoàn thiện khung khổ pháp lý. Chuyên gia kinh tế này cũng bình luận việc giám sát TPDN nên thực hiện có lộ trình. Nếu phanh quá gấp thị trường trái phiếu sẽ gây ra các cú sốc cho thị trường, không mang lại lợi ích cho nền kinh tế.
“Chỉ nên đưa ra các quy định để ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực trên thị trường trái phiếu, chứ không nên đưa ra các quy định siết quá chặt việc phát hành TPDN. Ngược lại, vẫn cần khuyến khích các doanh nghiệp tốt tiếp tục phát hành và coi đây là kênh huy động vốn trung, dài hạn quan trọng, làm giảm áp lực lên hệ thống ngân hàng”, ông Long nói.
Nguồn:laodong