Sáng 18/07 tại Hotel Nikko Saigon Lễ Khai mạc Triển lãm Công nghệ Giáo dục (CTE) 2024. Đây là năm thứ 3 được tổ chức. Với sự góp mặt của các diễn giả là những chuyên gia, nhà quản lý, người làm giáo dục đầu ngành, bao gồm ông Mike Michalec – Sáng lập kiêm Giám đốc điều hành EdTech Asia – EdTech nổi tiếng tại Singapore; cô Nguyễn Thúy Uyên Phương – sáng lập và điều hành Hệ thống trường Mầm non – Ngoại khóa Tomato, Chủ tịch Hội đồng Trường Hệ thống trường song ngữ liên cấp I Can School; anh Võ Kim Nghĩa – Tổng Giám đốc Học viện Anh ngữ Việt Nam – VIA English Academy; anh Bùi Anh Phong – Giám đốc điều hành Investidea Tech… CTE hứa hẹn sẽ là không gian lý tưởng để gặp gỡ, đối thoại, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm cho cộng đồng giáo dục Việt Nam nói chung.
Hơn 1 năm kể từ khi OpenAI ra mắt ChatGPT, thế giới đã trải qua nhiều thay đổi nói chung và tác động không nhỏ đến ngành giáo dục nói riêng. Sự xuất hiện của AI trong thời gian qua đã tạo nên một “cơn sốt” toàn cầu, đồng thời đặt ra những thách thức không nhỏ cho các nhà giáo dục trong việc thay đổi cách thức giảng dạy, tận dụng những tiềm năng của AI một cách hiệu quả, giúp học sinh trang bị những kỹ năng cần thiết để thay đổi, thích nghi với những biến đổi ngành nghề và dẫn đầu trong thị trường lao động tương lai.
Bên cạnh đó, trí tuệ nhân tạo cũng thể hiện vai trò mạnh mẽ trong việc tối ưu hóa các quy trình quản lý trường học, theo dõi và quản lý hồ sơ học sinh. Bằng những ứng dụng của máy học (machine learning), hệ thống AI có khả năng học từ các tập dữ liệu, phân tích và giúp các nhà quản lý có cái nhìn sâu sắc hơn về hiệu suất học tập và hành vi của người học, từ đó có thể đưa ra các quyết định kịp thời để cải thiện kết quả học tập của học sinh.
Các diễn giả giàu kinh nghiệm sẽ cùng thảo luận về AI trong giáo dục
Không giới hạn trong việc quản lý, AI còn có tiềm năng thay đổi cách giảng dạy và học tập diễn ra. Giáo viên ngày nay có thể sử dụng thông tin và dữ liệu từ AI để tùy chỉnh phương pháp giảng dạy theo nhu cầu riêng của từng học sinh. Thay vì dạy một chương trình duy nhất cho tất cả các học sinh, thầy cô có thể sử dụng hỗ trợ từ AI để tăng cường dạy kèm bổ sung, dùng chatbot trò chuyện cá nhân để trả lời câu hỏi, cung cấp nhiều loại tài liệu, phục vụ cho nhu cầu cụ thể của từng học sinh.
Tại ClassIn, AI Chatbot đã được thử nghiệm thành công và đưa vào giảng dạy, giúp tự động hóa quy trình trả lời câu hỏi của học sinh, sinh viên mà không cần đến sự can thiệp của thầy cô. ClassIn cũng đã phát triển các công nghệ mới nhờ ứng dụng trí tuệ nhân tạo như: AI Collabspace hay AI Speaking test – kiểm tra khả năng đọc, phát âm, giao tiếp chuẩn bản xứ cho người đọc với độ chính xác cao. Dự kiến đến năm 2024, 47% công cụ quản lý học tập sẽ được kích hoạt bởi khả năng của AI.
Đến tham dự CTE 2024, người tham gia sẽ có cơ hội được trải nghiệm lớp học thông minh ClassIn X ở một phiên bản nâng cấp hơn: tích hợp phần mềm và phần cứng để phân tích mức độ tham gia bài học của học sinh, hay dùng giọng nói (voice) để kích hoạt các tính năng mà không cần thao tác bằng tay.
Ông Nguyễn Quang Vũ – Giám đốc ClassIn Việt Nam nhận định: “Làn sóng ứng dụng AI vào giáo dục đã trở thành một xu hướng tất yếu mà sớm hay muộn, không có ai đứng ngoài cuộc. AI sẽ tác động một cách toàn diện đến mọi mặt trong ngành giáo dục, từ chương trình, phương pháp giáo dục, cho tới vai trò người thầy, cách tổ chức dạy và học, cách tiếp cận học liệu, tương tác với học viên. Tôi tin rằng nếu biết tận dụng đúng cách và kịp thời, AI sẽ là cánh tay đắc lực cho không chỉ cho học sinh mà còn cho các nhà quản lý, giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu suất và trải nghiệm học tập của học sinh, đồng thời tối thiểu chi phí, tối đa hiệu quả”.
Bên cạnh những mô hình, giải pháp giáo dục hiện đại từ nhiều đơn vị Edtech nổi tiếng sẽ xuất hiện tại triển lãm, sự kiện CTE năm nay hứa hẹn sẽ mang đến nhiều thông tin hữu ích, cập nhật về các xu hướng giáo dục trên thế giới và tại Việt Nam, đi kèm với những số liệu, dẫn chứng thực tế từ các nghiên cứu tin cậy. Các chuyên gia, diễn giả khách mời cũng sẽ chia sẻ nhiều góc nhìn về trí tuệ nhân tạo, ứng dụng công nghệ để thiết kế các mô hình học tập kiểu mới, giáo dục kết hợp giữa online và offline (OMO), cùng những đột phá đã và sẽ áp dụng trong trường học trong những năm sắp tới.
Được học hỏi những cách thức mới để triển khai AI và các loại công nghệ khác để vận hành, giảng dạy hiệu quả là một điều tuyệt vời. Đây cũng là mục tiêu của CTE năm nay, trên tinh thần chia sẻ, học hỏi và kết nối. Triển lãm công nghệ giáo dục 2024 sẽ là cơ hội để đánh giá tình hình sử dụng EdTech hiện nay và nhận diện những cơ hội mới.
Hồng Nhung