Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng năm 2021 sản phẩm thuỷ sản sống, tươi, khô, đông lạnh, surimi, chả cá…(mã HS 03) vẫn đạt giá trị xuất khẩu 6,4 tỷ USD, tăng 8,5% và chiếm 72% tổng giá trị xuất khẩu thuỷ sản.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2021 xuất khẩu tăng chủ yếu dạng sản phẩm tươi/đông lạnh/khô. Tổng giá trị các sản phẩm thuỷ sản chế biến xuất khẩu (mã HS 16) chiếm 28% đạt gần 2,5 tỷ USD, gần tương đương với năm 2020.
Trong khi đó, sản phẩm thuỷ sản sống, tươi, khô, đông lạnh, surimi, chả cá…(mã HS 03) đạt giá trị xuất khẩu 6,4 tỷ USD, tăng 8,5% và chiếm 72% tổng giá trị xuất khẩu thuỷ sản.
Năm 2021, xuất khẩu tôm chiếm tỷ trọng chi phối gần 44% đạt gần 3,9 tỷ USD, cá tra chiếm 18% với trên 1,6 tỷ USD, các loại cá khác chiếm 19% với gần 1,7 tỷ USD.
Xuất khẩu cá ngừ mang về 759 triệu USD, tăng 17% và chiếm 8,5%, mực, bạch tuộc chiếm gần 7% với 608 triệu USD.
Những loài thuỷ sản xuất khẩu mang về kim ngạch cao nhất trong năm 2021 gồm tôm chân trắng với gần 3 tỷ USD, chiếm 33% tổng xuất khẩu thuỷ sản, tiếp đến là cá tra, cá ngừ.
Tôm sú mang về 759 triệu USD, chiếm 7%, chả cá và surimi mang về 619 triệu USD, chiếm 7%. Tiếp đến là mực với 315 triệu USD, bạch tuộc với 294 triệu USD, mỗi loài chiếm trên 3% giá trị xuất khẩu thuỷ sản.
Nằm trong top 10 sản phẩm còn có có hồi, cá nục, cá cơm, chiếm tỷ trọng lần lượt là 2,7%, 1,6% và 1,3%.
Nhiều loài thuỷ sản và sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng mạnh 2-3 con số trong năm qua. Trong đó, xuất khẩu surimi tăng 26%, bạch tuộc tăng 15%, cá nục tăng 40%, nghêu tăng 52%, ghẹ tăng 37%, cá chẽm tăng 15%, nước mắm tăng 25%, cá chỉ vàng tăng 19%…
Theo VASEP, dịch Covid khiến chi phí vận tải tăng cao làm giảm đơn hàng từ nguyên liệu gia công chế biến, do vậy xuất khẩu các loài như cá hồi, cá tuyết, cá minh thái, cá saba, tôm đỏ đều giảm.
Theo Thương hiệu & Sản phẩm