Kiểm soát hoạt động huy động vốn của doanh nghiệp bất động sản

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng cần kiểm soát hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản trên thị trường chứng khoán, trái phiếu.

Báo cáo Quốc hội trước phiên chất vấn sẽ diễn ra ngày 3/11, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết bất động sản là thị trường phức tạp, liên thông, gắn trực tiếp với thị trường tài chính, tiền tệ và các thị trường khác. Cơ cấu nguồn lực cho thị trường bất động sản còn bất hợp lý, chủ yếu từ vốn tín dụng ngân hàng, huy động qua phát hành trái phiếu và tiền ứng trước của khách hàng. Vốn của chủ đầu tư chỉ chiếm khoảng 15-30% tổng mức đầu tư của dự án, chưa có các nguồn vốn trung, dài hạn ổn định cho thị trường.

Bộ trưởng cũng cho biết, giá bất động sản, nhất là nhà ở, đất ở liên tục tăng và cao hơn so với thu nhập người dân, khiến người lao động thu nhập thấp tại các đô thị, công nhân khu công nghiệp càng khó khăn trong việc tiếp cận và tạo lập chỗ ở.

Để tránh đầu cơ, thao túng, thổi giá trên thị trường, Bộ trưởng cho rằng cần kiểm soát huy động vốn của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên thị trường chứng khoán.

“Cần kiểm tra, giám sát việc phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ trái phiếu doanh nghiệp, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, tổ chức tín dụng liên quan tới doanh nghiệp ngành này”, ông nêu quan điểm.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, việc giám sát gồm cả doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, kinh doanh thua lỗ và phát hành không có tài sản bảo đảm.

Được biết, thị trường bất động sản nửa đầu năm 2022 và năm 2021 đã chứng kiến sự lên ngôi ngoạn mục về giá và làm nóng cả thị trường chứng khoán lẫn trái phiếu. Nhiều doanh nghiệp có đà tăng gấp 2 – 3 lần trong 1 năm dù hoạt động kinh doanh không mấy nổi bật.

Từ nửa cuối quý II/2022 đến nay, khi các biện pháp “siết chặt” dòng tiền bắt đầu “ngấm” thị trường, việc phát hành trái phiếu và loạt vướng mắc trong thủ tục đầu tư vẫn “chờ luật”, thị trường bất động sản sau thời gian tăng nóng đã bắt đầu chững lại.

Một trong những ưu tiên phát triển là thị trường lành mạnh, bền vững, song việc siết chặt quá mức dòng vốn khiến doanh nghiệp lao đao, nhiều báo cáo cho thấy các doanh nghiệp thuộc ngành này đang đối diện với cảnh thiếu hụt nguồn vốn, dự án “đắp chiếu”, cầm chừng để chờ dòng vốn mới.

Theo Hiệp hội Bất động sản TP HCM, cần xây dựng cơ chế tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn tín dụng và các nguồn vốn trên thị trường vốn, trong đó có hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Hiệp hội cũng cho rằng, không vì số ít doanh nghiệp có sai phạm, vi phạm pháp luật mà “siết quá chặt, siết quá đà, siết cả doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng, tuân thủ pháp luật” đang chiếm đa số trong nền kinh tế.

Bên cạnh đó, HoREA cũng cho rằng cần sửa đổi Luật Thuế theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để cho phép các tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản kinh doanh đa ngành được dùng phần lợi nhuận kinh doanh bất động sản để bù các khoản lỗ thuộc các lĩnh vực kinh doanh khác, đảm bảo công bằng với các doanh nghiệp hoạt động đa ngành nhưng không có hoạt động kinh doanh bất động sản thì lại được hạch toán tổng hợp.

Trong khi đó, theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh – chuyên gia kinh tế, các cơ quan quản lý Nhà nước cần đánh giá vai trò của thị trường bất động sản, để lĩnh vực này luôn là động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế khác, tạo ra nguồn lực đầu tư phát triển trong dài hạn; đồng thời, giám sát để thị trường bất động sản phát triển bền vững, hạn chế tình trạng đầu cơ, phát triển thiếu quy hoạch, tạo sốt đất ảo…

Nguồn:diendandoanhnghiep

Next Post

MỚI NHẤT

XEM NHIỀU

PHỔ BIẾN